Theo báo cáo thị trường lao động phổ thông, giữa và hậu giãn cách của vieclamtot.com, trong 1,3 triệu lao động ở Đồng Bằng Sông Cứu Long đã hồi hương: có 58% người lao động đã về quê - dự định trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. 42% còn lại đều khẳng định: sẽ không quay lại thành phố.
42% là con số không hề nhỏ. Giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động hồi hương đã và đang được các địa phương nỗ lực thực hiện, dù có không ít khó khăn. Người kiếm việc nhiều hơn số việc làm. vô tình đẩy những lao động lớn tuổi vào thế không thể tìm được việc làm mới. Không ít trường hợp bỗng chốc lâm vào cảnh nợ nần.
Nhiều năm ra đi để vườn bỏ hoang, người lao động khi trở về cũng muốn làm gì đó để trang trải cuộc sống nhưng ở đây, tìm đâu ra việc. Đi thì dở, ở cũng không xong là tình cảnh chung của hàng trăm lao động ở xã nghèo khi trở về.
Thời điểm này, thị trường XKLĐ đang phục hồi nhanh chóng, sau 2 năm "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cục quản lý lao động ngoài nước ( Bộ lao động, Thương Binh và Xã hội) cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 6/2022, tổng số lao động Việt Nam - đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. Việt Nam đặt ra chỉ tiêu, trong năm 2022, đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Và đây cũng được xem là giải pháp: góp phần rất lớn, vào việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững của nhiều địa phương.
Đa phần các lao động đều đến từ các vùng quê khó khăn, mỗi người có mục đích cụ thể khác nhau nhưng nhìn chung đều cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, còn là cơ hội để các lao động trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc, tính kỷ luật trong công việc tốt hơn, để khi trở về, họ có thể chuyển đổi cơ cấu việc làm, thoát nghèo bền vững.
Nguồn: VTV.VN